Quay qua quay lại, đậu phụ vẫn là món dễ ăn, không ngán lại đủ dinh dưỡng. Xin giới thiệu 3 cách chế biến đậu phụ đảm bảo 3 tiêu chí: Thanh với khẩu vị - Nhã với thưởng thức - Bổ với sức khỏe.
Đậu phụ kho nấm
Mọi người đều biết nấm là thực phẩm giàu dinh dưỡng, kết hợp với đậu phụ là một món ăn chay thanh đạm nhưng cung cấp cho ta đủ lượng protein, vitamin cần thiết cho cơ thể.
Trong món ăn này, chúng ta dùng nấm hương tươi (còn được gọi là nấm đông cô) là một loại nấm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng huyết, tăng cường miễn dịch tốt cho sức khỏe. Nguyên liệu cần dùng là: 3 bìa đậu phụ, 1 lạng thịt nạc vai xay, 2 lạng nấm hương tươi. Gia vị gồm có: xì dầu, dầu hào, đường, rượu mai quế lộ, bột năng, gừng, hành lá.
Đậu phụ cắt miếng vừa ăn (có thể hình chữ nhật hoặc hình tam giác), rán vàng. Nấm rửa sạch, cắt đôi cho tương xứng với khổ đậu. Bắc chảo lên bếp với một chút dầu ăn, khi dầu nóng cho 1 ít gừng đã xắt nhỏ vào phi cho thơm (món có nấm thường cho gừng phi để nấm dễ tiêu hóa hơn).
Cho thịt nạc xay vào đảo đều cho săn lại, cho chút rượu mai quế lộ. Nếu không sẵn rượu mai quế lộ, có thể cho vài giọt rượu trắng. Tiếp tục đảo và nêm thêm xì dầu. Sau đó cho đậu phụ, nấm vào xào cùng. Nêm dầu hào và chút đường. Cho 1 bát nước vào đun sôi khoảng 2-3 phút thì cho bột năng (nhớ là bột năng phải cho chút nước khuấy cho tan bột) vào cho nước sánh trong thì bắc ra rắc hành lá lên trên, ăn nóng.
Đậu phụ hấp tôm
Nguyên liệu gồm có: 1 lạng thịt xay, 1 lạng tôm, 1 miếng đậu phụ non, 3 cái nấm đông cô, 1 quả trứng gà. Gia vị gồm: muối, tiêu, bột bắp, dầu mè.
Nấm đông cô rửa sạch, cắt nhuyễn. Tôm rửa sạch, lột vỏ, lấy chỉ đen, cắt nhỏ, cho vào cối giã rồi để chung với thịt xay. Cho nấm đã cắt nhuyễn vào, nêm gia vị, tiêu, muối, dầu mè, một chút bột bắp và trứng đã đánh tan.
Hỗn hợp cần trộn đều để tạo độ dẻo và kết dính. Cắt đậu phụ thành 3 tầng bằng nhau theo bề mặt chữ nhật. Xếp 1 miếng đậu phụ vào đĩa trước, cho 1/2 số nhân gồm thịt, tôm... đã trộn lên phủ kín bề mặt đậu.
Xếp miếng đậu phụ thứ 2 lên trên phần nhân. Tiếp tục cho phần nhân còn lại lên trên, phủ kín miếng đậu hũ thứ 2. Sau cùng là lớp đậu phụ thứ 3, rồi cho vào nồi hấp khoảng 20- 25 phút đến khi nhân tôm thịt chín.
Làm phần sốt: Nguyên liệu gồm có: hành tây, tỏi, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh tương ớt chua ngọt. Trộn đều nguyên liệu phần sốt lại với nhau.
Đặt nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vào rồi phi thơm hành, tỏi. Sau đó, đổ phần sốt đã trộn vào, đảo đều, nêm nếm lại gia vị cho vừa. Bạn có thể pha thêm tí nước bột năng cho phần sốt hơi sánh lại.
Rưới sốt lên phần đậu hũ đã hấp chín, trang trí với hành, rau mùi tùy thích. Đậu phụ là món ăn lành tính, nhiều đạm không chất béo, kết hợp với lớp tôm thịt xen kẽ ăn kèm với nước sốt tạo cảm giác ngon miệng mà không ngán, phần sốt đậm đà.
Canh đậu phụ rong biển
Nguyên liệu gồm: 1 lạng đậu phụ non, 1 thìa rong biển sấy khô, 50g tôm khô, 50g nấm rơm (có thể dùng nấm khác), một phần cà rốt, 1 lát gừng.
Đậu phụ non cắt thành miếng vuông nhỏ. Tôm khô ngâm nước cho nở. Nấm rửa sạch với nước muối loãng. Cà rốt cắt hình hoa hoặc đơn giản là cắt khối vuông hạt lựu (chỉ cần ít cà rốt để bát canh có màu sắc đẹp, không cần nhiều).
Tôm khô cho vào với 1 bát canh nước đun cho mềm, thả nấm và cà rốt vào đun với lửa nhỏ khoảng 3-4 phút sau đó thả rong biển vào. Thường thì bạn có thể dùng rong biển nhập khẩu mua ở siêu thị, nếu dùng loại rong cành cần cắt nhỏ trước khi nấu.
Rong biển rất chóng chín, khi rong nở ra, tiếp tục thả đậu phụ non vào, nêm gia vị vừa miệng, thả một lát gừng vào rồi bắc ra. Không để sôi lâu, không khuấy mạnh để đậu phụ vỡ nát. Bát canh đậu phụ rong biển có đủ màu sắc đẹp mắt, các nguyên liệu cho ta một món ăn giàu dinh dưỡng nhưng vị rất thanh mát.